|
Bạn Francis Luke mến,
Có một câu nói rất hay mà mình quên tên tác giả, đó là: “Nếu bạn bắt đầu bằng sự ngờ vực, bạn sẽ kết thúc bằng sự chắc chắn. Nếu bạn bắt đầu bằng sự chắc chắn, bạn sẽ kết thúc bằng sự ngờ vực”. Bạn bắt đầu như vậy là bạn có thuận lợi rồi đó.
Mình không hiểu biết nhiều về đạo Phật hay kinh Phật nhưng mình đồng ý với bạn là Đức Phật chỉ là người đi tìm đạo.
Còn về Kitô giáo, Kinh Thánh không chỉ có sau khi Chúa Giêsu nhưng Cựu Ước đã có trước đó 4000 năm, bắt đầu từ sách Sáng Thế. Những gì Đức Giêsu làm và rao giảng đều ứng nghiệm những điều đã được các tiên tri loan báo trong các sách Cựu Ước.
Bạn nói đúng, các sách Tin Mừng được viết từ khoảng 50 năm sau Đức Giêsu. Bạn có biết tại sao không? Đó là bởi vì trước đó các sách Tin Mừng chính là những lời rao giảng của các Thánh Tông Đồ. Các Thánh Tông Đồ đã từng theo Đức Giêsu mấy năm, chứng kiến bao nhiêu biến cố và những lời rao giảng của Đức Giêsu, từng thất vọng, suy sụp sau khi Đức Giêsu bị đóng đinh, sau đó các Ngài đã gặp lại Đức Giêsu hiện ra và chứng kiến Đức Giêsu lên trời. Do vậy, những lời rao giảng của các Ngài chắc chắn sẽ sống động hơn những gì người ta tìm thấy trong sách vở. Mỗi vị Thánh Tông Đồ chính là một cuốn sách Tin Mừng sống động làm chứng về Đức Giêsu Phục Sinh. Các sách Tin Mừng được viết ra với mục đích để lại những lời chứng của các Thánh Tông Đồ cho những thế hệ sau như thế hệ chúng ta, để những ai tin vào những lời chứng đó thì được cứu độ.
Thánh Matthêu và Thánh Gioan là những môn đệ trong nhóm 12 của Đức Giêsu, còn Thánh Marcô và Thánh Luca là những người ghi chép những lời rao giảng của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô. Mình không nói đến những ngụy thư bởi vì mình thấy vấn đề đó là chưa cần thiết.
Trong lịch sử của loài người, mình chưa thấy ai, ngoại trừ Đức Giêsu, dám tuyên bố câu này: "Tôi là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Tôi, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Tôi, sẽ không bao giờ phải chết" (Ga 11: 25-26). Vấn đề là bạn có dám tin vào câu nói đó hay không. Dĩ nhiên, để tin vào câu nói đó cần có sự tìm hiểu, học hỏi và có người mất cả đời người mới tìm được những điều họ muốn tìm. Cũng vậy, khi bạn nói là bạn tin không có nghĩa là xong mà khi bạn dám nói bạn tin là bạn phải đánh đổi cả cuộc đời của bạn cho niềm tin đó.
Còn vấn đề Hội Thánh có những sai lầm thì bạn hãy hiểu là con người có những yếu đuối. Mình nói điều này có thể bạn không tin nhưng đó là sự thật, đó là từ Giáo Hoàng là người lãnh đạo Hội Thánh trở xuống đều là những người rất yếu đuối. Do đó, mỗi người có những sai lầm lớn hay nhỏ không có gì đáng ngạc nhiên và điều đó không có nghĩa là Chúa không hướng dẫn chúng ta, chỉ là do chúng ta không nghe theo sự hướng dẫn của Chúa mà thôi. Bạn hãy lấy kinh nghiệm của bạn thì bạn sẽ dễ hiểu hơn: Tiếng nói trong lương tâm bạn luôn đòi hỏi bạn phải ăn ngay, ở lành nhưng trong thực tế bạn lại thích ăn gian, nói dối khi bạn thấy điều đó là có lợi cho bạn. Như vậy không có nghĩa là lương tâm của bạn không có tiếng nói nhưng chỉ là do bạn không nghe theo tiếng nói lương tâm của bạn mà thôi. Hy vọng ví dụ đó giúp bạn dễ hiểu hơn. Còn vấn đề “đạo nào cũng là đạo”, nếu bạn muốn tìm hiểu, mình sẽ nói chuyện với bạn thêm.
Nếu bạn quyết tâm nghe theo tiếng nói của lương tâm, quyết tâm đi tìm sự thật thì mình tin rằng bạn sẽ tìm được những gì bạn đang muốn tìm, cũng như mình tin rằng “ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11:10).
Cầu chúc bạn luôn kiên trì xin, luôn kiên trì tìm, luôn kiên trì gõ cửa. |
|