Chúa nhật II Mùa Chay – Năm B

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (9,2-10)
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: "Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?"

***

Bài chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

“Hãy vâng nghe lời Người”

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn nhấn mạnh mối liên hệ giữa hành vi của ông Abraham, là sẵn sàng dâng người con duy nhất của mình làm của lễ cho Thiên Chúa, và hành vi của Thiên Chúa, Đấng sẽ trao nộp Con Một yêu dấu của Người là Chúa Giêsu vào tay con người và dâng Người làm hy lễ tối thượng, là dấu chỉ của tình yêu cao cả nhất mà Thiên Chúa dành cho con người. Điều này được thánh Phaolô nhắc lại cho các tín hữu Rôma trong bài đọc II: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta”.

Chúng ta có thể thắc mắc: tại sao Thiên Chúa ngăn không cho Abraham sát tế Isaac làm của lễ, nhưng lại không buông tha cho chính con Một của mình? Câu trả lời chỉ có thể là Tình yêu. Chúa Cha để điều đó xảy ra để chúng ta nhận biết tình yêu của Người dành cho nhân loại chúng ta bao la như thế nào. Chúa Giêsu là tất cả Tình Yêu của Chúa Cha, và Người đã trao Tình Yêu đó cho nhân loại. Mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa mãi mãi là một mầu nhiệm mà chúng ta sẽ không bao giờ thấu hiểu hết được, nhất là khi mầu nhiệm đó được gắn liền với đau khổ.

Thực vậy, nếu tình yêu là một mầu nhiệm thì đau khổ cũng là một mầu nhiệm đối với con người. Tuy nhiên tình yêu Thiên Chúa không bỏ rơi con người trong đau khổ. Thánh sử Máccô đặt bối cảnh Chúa Giêsu biến đổi hình dạng giữa hai lần loan báo cuộc Thương Khó và Phục Sinh, như muốn nói rằng tình yêu Thiên Chúa luôn hiện diện giữa những đau khổ, và ánh sáng Phục sinh mới là trung tâm và là sức mạnh cho con người để chiến thắng đau khổ. Trong cuộc biến hình, Chúa Giêsu đã cho các tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan được nhìn thấy trước dung nhan vinh hiển của Người, như một cách để củng cố đức tin của các ông khi sau này các ông sẽ phải chứng kiến dung nhan biến dạng trong cuộc vượt qua của Người.

Trong cuộc biến hình của Chúa Giêsu, có sự xuất hiện của hai nhân vật chính của Cựu Ước là Môsê, đại diện cho lề luật của Thiên Chúa, và Êlia, đại diện cho các Ngôn sứ. Luật và các Ngôn sứ tượng trưng cho toàn thể Kinh thánh Cựu Ước, là tổng thể đức tin của người Do Thái. Với sự hiện diện của hai nhân vật Cựu Ước này, thánh sử Máccô cho chúng ta biết Chúa Giêsu chính là điểm tới của con đường dài của dân Do Thái. Thời gian đã viên mãn. Chúa Giêsu chính là Đấng Mêsia mà dân Do Thái đang mong đợi! Sự xuất hiện của Chúa Giêsu-Đấng Mêsia giờ đây được Luật và các Ngôn sứ xác thực, cúi mình trước Người và nhường chỗ cho Người. Vì thế, khi thị kiến chấm dứt: “các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai, chỉ còn Chúa Giêsu”. Câu này một lần nữa muốn khẳng định rằng, từ nay, chỉ một mình Chúa Giêsu hoàn thành Luật và các Ngôn sứ.

Không chỉ Luật và các Ngôn sứ, chính Chúa Cha cũng đến để chứng thực Chúa Giêsu là Đấng Mêsia bằng lời tuyên bố: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”. Lời này được nói cho các Tông đồ như một lời xác thực về nguồn gốc thiên sai của Chúa Giêsu, và mời gọi các ông hãy vững tin trong mọi hoàn cảnh. Bởi đức tin của các ông sẽ bị thử thách sau đó. Chúng ta biết rằng, biến cố biến đổi hình dạng này xảy ra vào thời điểm bước ngoặt của sứ vụ của Chúa Giêsu: Người kết thúc sứ vụ ở Galilê và bắt đầu lên đường đi Giêrusalem. Tại Giêrusalem, Người sẽ phải chịu đau khổ, bách hại và chịu chết trên thập giá để cứu chuộc dân Người.

Hôm nay trên núi Tabo, Chúa Giêsu hiển hiện trong vinh quang xán lạn giữa hai nhân vật biểu trưng của niềm tin Do Thái, nhưng chẳng bao lâu nữa, trên đồi Gôngôtha, Người sẽ xuất hiện với khuôn mặt “không còn hình dạng là người” giữa hai tên cướp. Thiên nhan của Người đã bị che khuất trong cuộc khổ nạn. Khó khăn lớn nhất trong đức tin của các Tông đồ là làm sao nhận ra cùng một Chúa Giêsu trong cả hai khuôn mặt vinh quang và đau khổ này. Và cũng như các Tông đồ, có lẽ chúng ta cũng khó nhận ra rằng vinh quang và đau khổ là hai mặt của cùng một tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Hay nói khác hơn, làm sao để chúng ta có thể thấy được tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa trong tất cả những đau khổ của chúng ta.

Nhưng tất cả những điều này vẫn phải được giữ bí mật vì các môn đệ chưa sẵn sàng để hiểu mầu nhiệm về con người của Chúa Kitô. Khi truyền cho ba môn đệ không được kể cho ai nghe những điều họ thấy, Chúa Giêsu cho họ một cái nhìn thoáng qua rằng chỉ có sự Phục sinh mới làm sáng tỏ mầu nhiệm của Người. Vinh quang mà các ông vừa được chiêm ngưỡng không phải là vinh quang của trần gian, nhưng là vinh quang dành cho người đã vượt qua đau khổ và sự chết. Vì thế các ông cần phải xuống núi để tiếp tục cuộc vượt qua này. Đó là cuộc vượt qua cám dỗ ở lại trong sự thành công, trong vinh quang, trong sự dễ dãi khiến con người đánh mất đi cùng đích của mình là sự sống vĩnh cửu. Vinh quang chỉ dành cho những ai đã vượt qua đau khổ, và sự sống chỉ xuất hiện khi con người dám can đảm chết đi cái tôi ích kỷ và kiêu ngạo của mình.

“Hãy vâng nghe lời Người”. Một lần nữa, chúng ta hãy để cho lời này của Chúa Cha hướng dẫn chúng ta trong hành trình mùa Chay thánh này. Vâng nghe lời Chúa Giêsu là để cho Lời Chúa hướng dẫn chúng ta trong từng tư tưởng, lời nói và việc làm. Chúa Cha mời gọi chúng ta “hãy vâng nghe lời Chúa Giêsu” vì chính Người là “con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).


Audio player

--->DOWNLOAD<---