|
Mặt trời từ từ lên cao. Ánh nắng xuyên qua khe lá chiếu dọi vào đến tận mặt con. Ðàn chim ríu rít bắt đầu đọc kinh mai. Lòng bỗng trở nên khoan khoái, con không còn cảm thấy một mối lo buồn nào đặt trên tư tưởng của con hết. Giờ đây con tưởng như mình đã thoát nạn, và con bắt đầu làm dấu thánh giá và đọc kinh mai.
Ðọc xong chuỗi kinh mai, một lần nữa con chắp tay ngửa mặt kêu xin ơn Chúa phù trì, phó mình cho Ðức Mẹ. Rồi con đưa mắt nhìn về bến đò.
Một lúc con thấy trên con đường ra bến đò, một bóng người đang hớt hải đi ra ga. Con đoán ngay là anh cậu đánh con hôm qua đang chạy ra ga để chặn đầu "thằng Văn" không cho nó lên chuyến tầu xuôi sớm (chuyến tám giờ sáng). Nhưng đến bến đò, anh ta đứng nói truyện với lái đò một lát, có vẻ lưỡng lự, muốn quay về. Song lại thấy anh ta bước xuống đò và sang sông. Con vội vã trụt xuống khỏi cây, lội tắt ngang qua cánh đồng, ra đường cái lớn, và bình tĩnh con theo anh cậu kia ra ga.
Ðến bến phà, con giả bộ điềm nhiên hỏi thăm ông lái đò:
- Này cụ, từ sáng đến giờ, cụ có thấy chú bé nào trạc bằng tôi, trốn qua bến đò này không?
- Không chú ạ; vừa rồi có một cậu lơn lớn qua đây, và cũng hỏi thăm tôi về chú bé đi trốn. Nhưng thật tình thì tôi không thấy. Vừa nói ông vừa nâng chiếc sào chống đặt lên phà. Rồi đưa hai tay lên chống nạng, nhìn con, ông lại tiếp:
- Gớm! ai chứ?... tôi thì tôi tinh ý lắm, cứ coi cái bộ mặt trốn là tôi biết ngay...
Con phải hết sức nín cười vì nghe ông nói một cách quá tự đắc. Con tự thầm nghĩ: Thôi thế là cụ nhầm to rồi, bộ mặt trốn là đây chứ còn đâu?... Con bước lên phà, giả bộ lưỡng lự, và tự thốt lên câu khó nghĩ:
- Quái lạ!
Rồi con quay sang nói với ông lái đò.
- Nhờ cụ có thể cho tôi qua ngay, để tôi đi kịp cậu lớn kia có được không?
- Vâng, mà cậu đi nhanh bước lên họa may mới có kịp chứ, vì sang đò là cậu ấy chạy thốc ngay đi như gió.
Sang qua sông, con cám ơn cụ lái đò "tinh ý," vặn quần nai lên đến tận đùi, cởi áo dài ra, thu gọn vào thành một chiếc mũ "đùi lợn," đội lên đầu, giả dạng là thằng bé bắt cua. Rồi con phóng nước đại, đuổi cho kịp anh kia. Khi chỉ còn cách anh ta chừng vài ba trăm thước, con rẽ xuống bờ ruộng và đi chậm lại. Chốc chốc con lại giả bộ lom khom như người tìm cua. Ðợi chừng anh kia tới ga, con theo hút ngay và nấp sau hàng rào cây rậm rạp bên cạnh đường xe lửa, phía sau ga. Ở đây, con cũng nhận thấy rõ mọi cử chỉ tìm kiếm của anh cậu. Anh ta luống cuống chạy đi hỏi thăm người nọ người kia, có thấy một chú bé nào, trạc 12 tuổi, người nhỏ nhắn, đến đây đợi tầu xuôi không?
Anh ta còn chạy vào nhà ga, xin ông xếp ga, cho nhân công sở hỏa xa chú ý hộ, hễ thấy thằng bé nào, như anh ta thường tả, bước lên chuyến tầu xuôi này, thì giữ lại dùm.
Không may, tầu xuôi hôm nay đến trễ. Chuyến tầu ngược đến trước. Con hiểu ý anh cậu, chỉ chăm chú vào chuyến tầu xuôi, nên con nhẩy phắt lên chuyến tầu ngược Vĩnh Yên. Tầu xuôi vừa đến, tầu ngược chuyển bánh ngay. Thế là con thoát khỏi sự chú ý của anh cậu.
Lên tầu, nhưng con không có vé. Cái đó con không lo lắm. Con tìm ngay đến toa nào có nhiều lính Nhật ở là con len vào, vì ở đó, không có nhân viên hỏa xa nào dám xớ rớ đến hỏi vé cả.
Con đi dọc hết các toa hạng tư, không có một toa nào có lính Nhật, con liền tiến đến một toa hạng ba, cửa đóng kín mít. Nhưng con cũng cứ bạo dạn mở, bước vào, thấy toàn là lính Nhật. Con đóng cửa đoàng hoàng, rồi quay mặt vào, đứng thẳng, giơ tay lên chào kiểu nhà binh:
- Ô-hai-yô. (Chào ông)
Con chỉ biết được một tiếng chào ông thôi, và mỗi khi gặp bất cứ một người Nhật nào con cũng nói có bằng ấy, cả lúc gặp gỡ, cả lúc từ biệt. Mấy anh lính Nhật thấy thằng bé táo bạo, họ đổ dồn hết mọi cặp mắt về phía con, rồi họ ồ lên cười.
Chào xong, con ngồi ngay xuống ghế, giữa những tiếng cười ồ ề của tốp lính. Những anh lính ở chung quanh con xúm lại vò vai, vò đầu, và nói liến thoắng những gì con không hiểu. Có lẽ họ đáp lời chào của con, hoặc hỏi thăm con đi đâu?
Cử chỉ ấy càng làm cho con dạn, con không sợ gì ai nữa. Con cúi mặt và nhoẻn cười để tỏ ý cho họ biết là con không hiểu tiếng Nhật. Thật thế, một anh Nhật ngồi cạnh con, xoa đầu và hỏi con:
- Ði đu-âu?
- Thưa ông, cháu đi Vĩnh Yên.
Nhớn mắt, và hơi nghiêng đầu nhẹ một cái, anh ta lắp lại:
- Vĩnh Yên? Tốt, tốt...
Từ đấy, họ để con ngồi yên, không còn ai "xì là xì lô" hay hoặc "đế xừ lạ" với con nữa. Ðến Ðình ấm, sở làm khí giới, một tốp lính Nhật xuống. Anh nào đi ngang con cũng cười híp mắt lại, giơ tay chào, rồi lại bắt tay con tử tế.
Từ giã họ, con lại cảm thấy sự lẻ loi, như mất cả nơi nương dựa. Con đi quanh quẩn ở sau nhà ga, và xuôi chuyến mười giờ về Yên Viên. Từ Vĩnh Yên, đến Yên Viên, con không tìm được toa nào của lính Nhật, nên con phải ở toa hạng tư với mọi hành khách. Ðến quãng từ Phúc Yên con bị hỏi vé, vì không có, nên bị nhân viên hỏa xa bắt nhốt vào một phòng vệ sinh.
Nhưng khi ông ta vừa đi khỏi, thì mấy người hành khách mở cửa cho con ra. Một lúc sau ông kiểm vé lại quay lại, hạch lạc con một lúc, và nhất là nhờ có bao nhiêu người hành khách can thiệp, minh chứng cho con không phải là tụi ăn cắp:
- Không có một lý nào một đứa trẻ hiền lành và đễ thương như thế mà lại buộc cho cái tội đi theo tụi ăn cắp được! Ông ta ngã lý, nên tha cho con, nhưng cấm con không được đi ra khỏi toa ấy. Và đến Yên Viên, ông ta gọi con xuống, cũng cho hay cả con đường xe chạy về Bắc Ninh nữa. |
|