|
PHỤC SINH ĐEM LẠI SỰ BIẾN ĐỔI
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc
Trong một lần thăm viếng mục vụ, một linh mục trò chuyện với một cụ già gần 90 tuổi. Vị linh mục hỏi ông cụ: Nếu Chúa cho cụ sống thêm 50 năm nữa, cụ có muốn không? Cụ già trả lời: Con chỉ muốn sống thêm, nếu con được thay đổi để sống một cuộc sống khác hơn thì con muốn. Con cũng chỉ muốn sống thêm khi thấy con cái cũng thay đổi, sống khác hơn bây giờ, yêu thương nhau hơn, kính trọng, thảo hiếu hơn, thì con mới muốn sống thêm. Chứ sống lâu mà bệnh tật, nhìn thấy con cháu ngỗ nghịch, phá phách thì sống thêm nữa để làm gì?
Họp mừng Chúa Sống Lại chỉ thực sự là niềm vui và có ý nghĩa khi mỗi chúng ta thật lòng thay đổi nếp sống, để cùng Chúa Giêsu sống một cuộc sống mới. Nếu Đức Giêsu sống lại để sống một cuộc sống mới, mà những kẻ tin vào Ngài vẫn sống nếp sống cũ, thì điều đó sẽ không có giá trị và ý nghĩa gì. Như vậy, chúng ta phải làm sao để cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu thực sự tác động và biến đổi cuộc đời chúng ta.
Các bài đọc ngày lễ Chúa Phục Sinh muốn nói đến sự biến đổi của những con người đã được gặp và đã tin vào Mầu nhiệm Chúa Phục Sinh. Sự kiện Phục Sinh là sự kiện của đức tin. Sự kiện này vượt quá khả năng của lý trí và sự kiểm nghiệm của giác quan. Để đón nhận đức tin, cần phải có ơn Chúa và đón nhận sự chỉ dạy của Giáo Hội. Tin Mừng Gioan cho chúng ta nhiều hình ảnh mang tính biểu trưng. Thánh sử kể lại chuyện của Bà Maria Madalena. Bà là người đã tin Chúa sống lại nhờ tìm kiếm dựa vào kinh nghiệm cá nhân và lời chứng của Giáo Hội. Thánh Gioan cho thấy bà ra mộ từ sáng sớm, khi trời còn tối. Khi đến nơi, bà thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Bầu trời tối, không chỉ là sự tối tăm của thiên nhiên, nhưng còn là sự tối tăm trong tâm hồn của bà Madalena. Ánh sáng Phục Sinh chưa chiếu vào tâm hồn bà được. Mặc dù đã nhìn thấy tảng đá được lăn ra khỏi mộ, nhưng bà vẫn nuôi trong mình suy nghĩ của sự chết và hình ảnh Thầy Giêsu đã chết. Vì thế, bà về nói với các tông đồ: Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.
Thánh Gioan cũng cho thấy, trong lúc bối rối về Mầu nhiệm Phục Sinh, bà đã chạy về gặp ông Simon Phêrô và môn đệ Chúa Giêsu thương mến. Điều đó có nghĩa là khi gặp thử thách về đức tin, chúng ta đừng chạy ra, cũng đừng chạy đi, mà phải chạy về với Simon, tức là với Giáo Hội. Vì Simon và các tông đồ chính là chỗ dựa đức tin cho chúng ta, các Ngài là những người có thẩm quyền trong đức tin.
Thánh Gioan cũng kể về kinh nghiệm đức tin của Simon và của chính ông, người môn đệ Chúa yêu. Một người là môn đệ được Chúa yêu, người kia là môn đệ yêu Chúa nhất. Cả hai ông cùng chạy ra mộ. Người môn đệ kia đến trước, nhưng ông vẫn chờ và nhường cho Simon đến sau vào mộ trước. Hành động này cho thấy sự tôn trọng quyền thủ lãnh của Phêrô, người được Chúa trao nhiệm vụ củng cố đức tin cho anh em.
Simon Phêrô bước vào trong mồ, thấy những tấm băng vải để đó được xếp gọn gàng, khăn che đầu được cuộn lại và để riêng một nơi. Chi tiết này chứng tỏ không hề có ai lấy xác Chúa như bà Madalena đã nói. Vì nếu kẻ trộm lấy xác, chắc chắn chúng không gỡ những băng vải ra làm gì. Nếu là kẻ trộm, chúng sẽ không có thời giờ để gấp gọn các khăn và băng vải. Như thế, Simon đã nhận ra, đây chính là dấu chứng cho thấy Thầy của các ông đã sống lại.
Niềm tin của Gioan vào mầu nhiệm Phục Sinh có khác với Simon. Đứng trước việc tảng đá đã lăn ra khỏi mộ, Gioan đã cúi xuống để nhìn vào trong mồ và thấy những băng vải còn đó. Tin Mừng muốn nói rằng, để có thể chấp nhận được niềm tin Phục Sinh, cần phải có một thái độ khiêm tốn, cung kính cúi mình trước những mầu nhiệm siêu việt này. Chỉ khi cúi xuống, mới có thể thấy những dấu vết của mầu nhiệm Chúa Phục Sinh để lại trong cuộc đời chúng ta. Kế đó, ông bước vào trong mộ cùng với Simon Phêrô, ông đã thấy và ông đã tin.
Tuy nhiên, không phải mọi người đều có thể tiếp cận được với những lý chứng như ngôi mộ trống hoặc những tấm khăn xếp gọn là dấu vết về cuộc phục sinh của Chúa. Vì thế, thánh Gioan mời gọi chúng ta, muốn đón nhận được niềm tin Phục Sinh thì cần phải đọc và suy gẫm Kinh Thánh. Tác giả ghi lại: Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: Theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết. Kinh Thánh là Lời của Chúa và là chương trình yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người. Kinh Thánh nói về Chúa Giêsu và cuộc tử nạn phục sinh của Người. Tin vào Kinh Thánh, chúng ta sẽ có niềm tin vào Chúa Giêsu phục sinh.
Khi đón nhận được niềm tin phục sinh, chúng ta sẽ được biến đổi và phải biến đổi nên con người mới. Chúa Giêsu sống lại, Ngài không sống lại với con người cũ. Mặc dù vẫn là thân xác, vẫn mang những dấu đinh, nhưng thân xác ấy đã hoàn toàn biến đổi. Thân xác của Chúa không còn bị giới hạn hay lệ thuộc vào không gian thời gian. Thân xác Chúa dù rất quen thuộc khiến cho Madalena nhận ra giọng nói của Ngài, nhưng cũng rất khác lạ khiến cho các phụ nữ và các tông đồ khi gặp đã không nhận ra Ngài.
Có một điều chắc chắn, Chúa Phục Sinh đã biến đổi hoàn toàn cuộc đời các tông đồ. Các ông từ những kẻ nhát sợ, đã trở nên can đảm ; từ những kẻ như đã chết, nay được hồi sinh ; từ những kẻ bình dân, nhà quê nay trở nên thông thái, mạnh dạn nói về Chúa Giêsu Phục Sinh.
Bài đọc một cho thấy, Phêrô đã không còn nhát sợ, không còn tính bồng bột trước đây, ông đã trở thành cột trụ cho Giáo Hội sơ khai, thành người rao giảng không mệt mỏi về Chúa Phục sinh. Tại nhà ông Cornêliô, Phêrô đã có một bài giảng long trọng nói về Chúa Giêsu Nazaret: Ngài là Đấng được Thánh Thần xức dầu để thi hành sứ mạng cứu độ. Ngài đã thi ân giáng phúc, dùng quyền năng mà làm nhiều phép lạ. Cuối cùng, người Do Thái đã giết Ngài, treo trên thập giá, nhưng vào ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Ngài chỗi dậy.
Phêrô đã làm chứng rằng: Chúa Giêsu đã chỗi dậy, đã hiện ra tỏ tường với chúng tôi là những nhân chứng Người đã tuyển chọn từ trước. Chính chúng tôi là những kẻ đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng: Chính Ngài là Đấng Thiên Chúa đã đặt làm thẩm phán để xét xử kẻ sống và kẻ chết.
Khi lãnh Bí tích Rửa tội, chúng ta được dìm vào cái chết và bước vào cõi sống cùng với Chúa Giêsu Kitô. Do đó, tuyên xưng Chúa sống lại không chỉ là lời tuyên xưng trên môi miệng, mà phải cùng biến đổi với Chúa Kitô. Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta: Anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc về thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Tin Chúa Giêsu sống lại, chúng ta không thể để mình bị chìm trở lại trong con người cũ, nhưng phải sống một con người mới, một thay đổi mới. Chắc chắn Chúa chịu chết và sống lại muốn nhìn thấy chúng ta là con Ngài sống tốt hơn, gắn bó với Ngài hơn. Ngài chết để cứu chuộc chúng ta, Ngài muốn chúng ta thuộc về Ngài. Ngài sống lại để đem đến cho nhân loại sự sống mới, Ngài muốn chúng ta đón nhận sự sống mới từ nơi ngài để được sống.
Hãy bắt đầu bằng việc làm mới lại bản thân, sống một quyết tâm mới, một con người mới. Hãy đến với Chúa thường xuyên hơn, gặp gỡ, gắn bó với Chúa nhiều hơn trong cầu nguyện và trong những công việc thường ngày. Hãy làm cho gia đình mình thực sự trở nên mới hơn, nhiều tiếng cười, nhiều niềm vui và nhiều hạnh phúc hơn. Hãy bước đến với anh em chòm xóm và mọi người với một gương mặt mới, vui hơn, tươi hơn. Hãy đem đến cho nhau tấm lòng tốt hơn, đẹp hơn và hãy làm nhiều việc nhân ái hơn, bao dung, quảng đại hơn cho người chung quanh.
Xin cho chúng ta biết để Chúa Phục sinh biến đổi mỗi người nên những con người mới và làm cho mầu nhiệm Chúa Phục sinh lan tỏa và biến xã hội này nên tốt đẹp hơn. Amen.
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|