Chúa nhật XIV Mùa Thường Niên – Năm C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (10,1-12.17-20)
Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: 'Bình an cho nhà này'. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.

"Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: 'Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi'.

"Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: 'Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần'. Ta bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này".

Bảy mươi hai ông trở về rất vui mừng và nói rằng: "Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con". Người bảo: "Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rít, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con, nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời".

***

Bài chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

Tất cả chúng ta là những thợ gặt của Chúa

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” Câu “Lúa chín đầy đồng” trong Tin Mừng hôm nay muốn nói với chúng ta điều gì? Thoạt nghe, chúng ta nghĩ là Chúa Giêsu muốn nói đến “tất cả các thành và các nơi” mà chính Người sẽ tới. Thật ra, cánh đồng lúa chín chờ gặt hái chính là toàn thế giới mà các môn đệ của Người sẽ khám phá ra sau ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. Con số 72 môn đệ được chọn chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Theo truyền thống Do Thái và dựa theo chương 10 của sách Sáng Thế, con cháu của ông Nô-ê sau lụt hồng thủy đã trở thành 72 dân tộc trên mặt đất. Như vậy, con số 72 ám chỉ tất cả các dân tộc trên thế giới. Ở đây, thánh sử Luca muốn nói đến tính chất phổ quát của công cuộc truyền giáo mà Chúa Giêsu đã thực hiện trong suốt cuộc đời trần thế của Người. Ðó là cuộc truyền giáo không biên giới, vì các môn đệ được Chúa Giêsu sai đến “tất cả các thành và các nơi.”

Khi được sai đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải sống tinh thần nghèo khó, không lệ thuộc vào vật chất, nhưng tin tưởng và phó thác hoàn toàn vào Chúa.

Dĩ nhiên, ơn gọi bao giờ cũng mang chiều kích cá nhân, nhưng việc truyền giáo cũng luôn mang chiều kích cộng đoàn. Như trong bài Tin Mừng, các môn đệ được sai đi từng hai người một. Ai dấn thân trong việc loan báo Tin Mừng phải vượt qua từ tinh thần riêng rẽ đến tinh thần liên đới trong sứ vụ. Vì một người sống theo chủ nghĩa cá nhân thì làm sao dám khẳng định mình là thừa tác viên của hòa giải và hiệp thông được? Như vậy chẳng phải là mâu thuẫn sao!

Ðâu là việc ưu tiên của người thợ trong cánh đồng truyền giáo? Thưa, đó là cầu nguyện: “Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” Cầu nguyện xin Chúa sai thợ đi gặt lúa, xin Người sai chúng ta đi, đó là hoạt động tông đồ chính yếu mà mọi người đều có thể làm được. Cuộc đời của thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu là một bằng chứng cụ thể. Sống trọn đời trong dòng kín Lisieux (Pháp), thánh nữ không bước ra khỏi đan viện hoặc đi truyền giáo ở các nơi xa xôi, vậy mà Giáo Hội lại chọn thánh nữ làm thánh bổn mạng các xứ truyền giáo, vì cả cuộc đời ngắn ngủi, ngài đã thao thức và cầu nguyện cho việc truyền giáo! Cầu nguyện không chỉ là điều kiện tiên quyết để làm việc tông đồ và truyền giáo, mà cầu nguyện chính là truyền giáo rồi vậy. Và chúng ta thường quên điều đó.

Chúa tạo dựng con người và cho con người tự do: tự do lắng nghe và đón nhận; tự do đáp trả hay từ chối… Tin Mừng là con đường dẫn đến hạnh phúc, nhưng con đường này phải đi qua thập giá. Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi có những người chùn bước và tháo lui. Thường thì chúng ta không thấy kết quả rõ ràng trong những hoạt động truyền giáo của mình, ngược lại, nhiều khi còn gặp sự thờ ơ, chế giễu và cả sự chống đối. Điều đó không có gì lạ, vì cách đây hơn 2000 năm, Chúa Giêsu đã báo trước điều này rồi: “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.”

Sẽ không có mùa gặt nếu không có thợ gặt. Chúa luôn cần đến sự cộng tác của chúng ta. Do đó, Người không ngừng kêu gọị những người thợ ở mọi nơi, mọi thời làm việc cho cánh đồng của Chúa. Cũng vì lý do đó mà chúng ta cần tha thiết cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo. Cầu nguyện trong tin tưởng, không nản lòng cũng không lo lắng trước những con số thống kê về những kết quả đạt được.

Cầu nguyện cũng là mở rộng tâm hồn chúng ta để lắng nghe tiếng Chúa và sẵn sàng dấn thân. Dù ở hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có thể là những người thợ mà chủ muốn sai đi. Trước đây, từ “thợ gặt” thường được hiểu là dành riêng cho những linh mục, tu sĩ và các nhà truyền giáo. Điều đó là không chính xác, vì truyền giáo thuộc về bản chất của người Kitô hữu. Khi chịu phép rửa tội, chúng ta đã được Chúa sai đi truyền giáo rồi. Tất cả chúng ta, mỗi người mỗi cách, đều được kêu gọi làm việc trong cánh đồng truyền giáo. Ðể loan báo Tin Mừng, không cần chúng ta phải hiểu biết nhiều hoặc phải nói hay. Khi chúng ta đi thăm bệnh nhân, thăm người già yếu hoặc cô đơn,... là chúng ta đã đi truyền giáo rồi! Khi Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Người không bảo họ phải dạy các điều phải tin, các điều luật, nhưng nhấn mạnh đến thái độ cụ thể của thợ gặt: cách ăn mặc, hành trang, cách giao thiệp, v.v... Những nhà thừa sai, những người hoạt động tông đồ loan báo Nước Trời trước tiên là qua cách sống của họ!

Trong mỗi thánh lễ, Chúa quy tụ chúng ta để ban ơn cho chúng ta, gia tăng niềm tin cậy của chúng ta, để sai chúng ta đi như những người thợ kiến tạo hòa bình giữa một thế giới thờ ơ, dửng dung, chia rẽ và hận thù.

Nếu Chúa là chủ mùa gặt, tại sao chúng ta lại sợ hãi và lo lắng? Chúa giao phó cho chúng ta công việc truyền giáo, và Người ban ơn cho chúng ta để thực hiện điều đó. Chúng ta cũng đừng quên rằng sứ vụ truyền giáo là công việc của Chúa Giêsu, và chúng ta chỉ là những người thợ, những người được sai đi. Do đó chúng ta phải làm thế nào để khi người khác nhìn vào chúng ta, họ nhận ra hình ảnh của Chúa.

Xin Chúa ban ơn để chúng ta trở thành những người thợ nhiệt thành trên cánh đồng truyền giáo, và hăng say xây dựng hòa bình và yêu thương nơi môi trường chúng ta đang sống. Amen.



Audio player

--->DOWNLOAD<---