|
Hãy lắng nghe như Maria và lên đường phục vụ như Mácta - Chúa Nhật XVI Thường Niên, năm C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (10,38-42)
Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay! " Chúa đáp: "Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi."
Trong một buổi học Kinh Thánh, các thanh niên độc thân tranh luận xem giữa hai chị em Mácta và Maria, ai sẽ là người vợ lý tưởng hơn. Một người nói: “Mácta chắc chắn là người phụ nữ giỏi việc bếp núc, biết chăm sóc gia đình. Tôi muốn lấy người như vậy, vì đường đến trái tim đàn ông là qua bao tử”. Người khác thì phân vân: “Tôi lại thích Maria hơn, dịu dàng, sâu sắc và yêu mến Chúa. Tôi nghĩ một người như thế mới là lý tưởng!” Cuối cùng, một người kết luận cách dí dỏm: “Tôi muốn cưới cả hai. Mácta trước bữa ăn, Maria sau bữa ăn!”
Câu chuyện vui ấy phần nào diễn tả điều mà Tin Mừng hôm nay muốn nói với chúng ta: không phải chọn giữa Maria hay Mácta, mà là học nơi cả hai, biết lắng nghe Chúa như Maria, và dấn thân phục vụ tha nhân như Mácta. Trong đời sống Kitô hữu, chiêm niệm và hành động không tách biệt, nhưng cần hoà quyện, trong một đời sống đặt Đức Kitô là ưu tiên số một.
Hai chị em Mácta và Maria sống trong cùng một nhà, cùng yêu mến Chúa, nhưng thể hiện tình yêu ấy theo cách khác nhau. Mácta tất bật lo toan bữa ăn để đón tiếp Chúa. Maria thì chọn ngồi bên chân Người để lắng nghe. Một người phục vụ bằng tay chân, người kia bằng trái tim. Cả hai đều biểu lộ lòng yêu mến, nhưng Chúa Giêsu chỉ ra rằng: Maria đã chọn phần “cần thiết” hơn cả, lắng nghe Lời Chúa trước đã.
Từ sự đối chiếu này, Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm mối tương quan giữa hoạt động và cầu nguyện, giữa phục vụ và thinh lặng nội tâm, giữa bận rộn công việc và ưu tiên sống với Chúa. Đây là bài học thiết yếu trong đời sống cá nhân, gia đình, Hội thánh và xã hội hôm nay.
Trong bài đọc thứ nhất, tổ phụ Ápraham tiếp đón ba vị khách lạ, một biểu tượng sống động về lòng hiếu khách của người tin Chúa. Ông không hề biết rằng ba vị khách ấy là sứ giả Thiên Chúa, nhưng vẫn đón tiếp với tất cả lòng trọng thị, sẵn sàng dâng lên họ món ăn quý giá và sự chăm sóc tận tình. Và chính trong cử chỉ hiếu khách ấy, ông đã đón nhận lời hứa lớn lao: Sara, vợ ông sẽ sinh con trai. Như vậy, sự hiện diện của Thiên Chúa đến bất ngờ, và người nào biết mở lòng ra tiếp đón thì sẽ lãnh nhận được ân sủng kỳ diệu.
Tuy nhiên, nếu Ápraham dạy chúng ta bài học về sự tiếp đón, thì bài Tin mừng Luca đưa chúng ta đi xa hơn: sự hiện diện của Thiên Chúa không chỉ cần một mái nhà hiếu khách, mà còn cần một trái tim lắng nghe. Khi Maria ngồi bên chân Chúa, chị không chỉ biểu lộ sự yêu mến, mà còn biểu lộ sự khao khát Lời Hằng Sống, đó chính là điều Chúa Giêsu mong đợi nơi các môn đệ.
Câu nói đầy thương yêu nhưng nghiêm khắc của Chúa Giêsu dành cho Mácta: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!”, không phải là lời trách móc, nhưng là một lời nhắc nhở. Mácta không sai khi lo toan phục vụ. Chính lòng hiếu khách của bà thể hiện tình yêu thực tế. Nhưng Chúa Giêsu chỉ ra điều cần thiết hơn: lắng nghe Lời Chúa, đón nhận sự hiện diện và giáo huấn của Người. Đó là thái độ của Maria, mẫu mực của đời sống chiêm niệm, ưu tiên dành cho Chúa.
Chúa không phủ nhận hành động, nhưng nhấn mạnh trật tự ưu tiên: hãy lắng nghe trước khi hành động, cầu nguyện trước khi phục vụ, ở bên Chúa trước khi đi đến với tha nhân. Nếu không, hoạt động sẽ trở thành lo âu, phục vụ sẽ thành gánh nặng, và đời sống đạo sẽ cạn khô.
Trong thư gửi tín hữu Côlôxê, Thánh Phaolô chia sẻ về chính cuộc đời mình: “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em”, bởi vì chính trong sự hiến thân cho Giáo hội, ngài cảm nghiệm được sự kết hợp mật thiết với mầu nhiệm của Đức Kitô. Đó là hành trình vừa phục vụ, vừa kết hiệp mật thiết với Chúa, vừa mang nơi mình đau khổ của Hội thánh, vừa làm cho Lời Chúa nên trọn vẹn nơi những ai lắng nghe.
Vì thế, Mácta và Maria không nên được xem là hai mẫu người đối lập, nhưng là hai khuôn mặt bổ túc cho nhau trong đời sống Kitô hữu. Mácta đại diện cho đời sống hoạt động, Maria tượng trưng cho đời sống cầu nguyện. Nếu chỉ có Mácta, chúng ta dễ sa vào hoạt động thuần túy, làm việc không ngừng mà quên mất Chúa đang ở bên mình. Nếu chỉ có Maria, chúng ta có thể trở nên khép kín, sống nội tâm nhưng xa rời thế giới. Đức tin Kitô giáo là sự kết hợp của cả hai: chiêm niệm để hành động, cầu nguyện để phục vụ, hiện diện với Chúa để có thể hiện diện với tha nhân.
Trong bối cảnh Giáo hội sơ khai, bài tường thuật của Luca cũng là lời nhắn gửi đến các cộng đoàn họp nhau trong các “nhà thờ tại gia.” Khi các tín hữu họp nhau để cầu nguyện, để cử hành Thánh Thể, có thể có người, nhất là phụ nữ, quá bận bịu việc tiếp khách, lo ăn uống, đến nỗi bị tách biệt khỏi lời giảng dạy hay việc cử hành phụng vụ. Do đó, bài Tin mừng như một lời mời gọi phân bổ lại vai trò, tạo điều kiện cho mọi người cùng tham gia việc lắng nghe và cầu nguyện, thay vì chỉ phục vụ trong âm thầm.
* Những sứ điệp sống cho hôm nay
1. Phải sạc lại “pin thiêng liêng” mỗi ngày: Chúng ta thường rơi vào trạng thái “kiệt sức tông đồ” như Mácta: lo lắng, bối rối, bận rộn. Hãy nhớ rằng, như các y bác sĩ cần nghỉ ngơi, linh mục và giáo dân cũng cần dưỡng nuôi đời sống nội tâm. Cầu nguyện, đọc Lời Chúa, Thánh lễ hằng ngày, đó là cách để giữ lửa thiêng liêng.
2. Hãy là Mácta biết phục vụ và là Maria biết lắng nghe: Giáo Hội cần những Mácta tận tụy: trong ca đoàn, hội đoàn, nhóm bác ái… nhưng cũng cần những Maria biết lặng thinh trước Chúa, để việc phục vụ không là nghĩa vụ khô cứng mà là đáp trả tình yêu.
3. Học lắng nghe để yêu thương: Ngày nay, chúng ta bị cám dỗ trở thành những “Mácta hiện đại”, bận rộn đến mức không còn lắng nghe Chúa, gia đình hay chính mình. Nhưng tình yêu bắt đầu từ sự lắng nghe: lắng nghe Chúa, lắng nghe nhau, lắng nghe sự thinh lặng của lòng mình. Đó là nơi Thiên Chúa nói lời yêu.
4. Phục vụ Chúa với sự chuyên cần: Người đời có thể dành cả đời để viết sách, sáng chế, luyện nghề. Còn chúng ta, những Kitô hữu, có dành công sức tương xứng để phục vụ Chúa chưa? Làm việc cho Chúa không thể hời hợt. Maria và Mácta đều cần thiết, nhưng hành động chỉ có giá trị nếu phát xuất từ Đức Tin và cầu nguyện.
5. Mỗi Thánh lễ là bữa tiệc Chúa khoản đãi: Chúng ta không làm ơn cho Chúa khi đến nhà thờ. Trái lại, chính Chúa ban ơn cho ta: được nghe Lời, được nuôi dưỡng bằng Mình Máu Thánh Người. Thánh lễ là thời khắc Maria ngồi bên chân Chúa, là nơi Mácta dâng hiến công lao. Đừng đến vì thói quen, mà hãy đến vì khát khao được ở cùng Chúa.
6. “Chỉ có một điều cần”: Giữa thế giới náo động, giữa bao tiếng gọi của công việc, trách nhiệm và mối bận tâm, Chúa Giêsu nhẹ nhàng nhắc: “Chỉ có một điều cần thôi”, đó là Ngài, là sự hiện diện của Ngài, là lời của Ngài, là tình yêu và sự sống từ Ngài. Từ “một điều cần thiết” ấy, mọi điều khác sẽ tìm được đúng vị trí.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, giữa những bận rộn của cuộc đời, xin giúp con biết dừng lại bên chân Chúa, lắng nghe Lời Ngài như Maria, để rồi lên đường phục vụ như Mácta. Xin cho con sống đời chiêm niệm giữa hành động, và hành động trong tinh thần chiêm niệm. Xin cho mọi việc con làm đều khởi đi từ Chúa, hướng về Chúa, và sinh ích cho anh chị em con. Amen.
G. Võ Tá Hoàng
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|