KINH LẠY CHA CỦA DÂN CHÚA |
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVII Thường Niên, Năm C



TMĐP- Ý nghĩa đích thực của cầu nguyện như ý muốn của Đức Giêsu chính là Kinh Lạy Cha – lời cầu nguyện của chính Đức Giêsu.

Có một điều không thể chối cãi là ai trong chúng ta cũng có ít nhiều kinh nghiệm về những lần cầu xin mà không được toại nguyện, những lời cầu nguyện dường như không được Chúa lắng nghe, những ước nguyện dâng lên Chúa chẳng bao giờ thành sự thực… bởi chẳng phải người bệnh nào chúng ta cầu nguyện cho cũng khỏi, công việc nào chúng ta cầu xin cũng hoàn thành tốt đẹp, và ước mơ nào chúng ta nài xin Chúa cũng hiện thực mỹ mãn, để rồi những kinh nghiệm thất bại ấy khiến chúng ta rơi vào tâm trạng không mấy bình an, vì hoang mang, nghi ngờ, vì chúng mâu thuẫn với Lời Hứa của Đức Giêsu: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra…” (Mt 7,7).

Để hiểu ý nghĩa đích thực của cầu nguyện như ý muốn của Đức Giêsu, chúng ta cùng nhau chia sẻ Kinh Lạy Cha, là lời cầu nguyện của chính Đức Giêsu.

Muốn các môn đệ cầu nguyện “với Ngài và như Ngài” khi đọc Kinh Lạy Cha, Đức Giêsu mặc khải cho các ông biết: cầu nguyện không hệ tại việc xin Thiên Chúa làm cho mình những gì mình muốn, “làm áp lực trên Ngài” bằng cách ỉ ôi van xin Ngài thực hiện cho kỳ được những gì mình mong ước, tìm kiếm. Trái lại, cầu nguyện trước hết là xin Thiên Chúa tỏ mình cho loài người, xin Chúa bày tỏ ý muốn của Ngài cho muôn dân, xin Chúa thực hiện điều Ngài muốn trong chương trình yêu thương của Ngài dành cho nhân loại, mà cụ thể là “xin cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”( Mt 6,9-10), bởi khi Danh Chúa được nhận biết khắp nơi, thì nhân loại hạnh phúc; khi Nước Chúa hiển trị mọi nơi, mọi thời, thì thế giới trở thành gia đình ấm êm, khi Ý Chúa được thể hiện trong mọi tâm hồn, mọi nhà, mọi quốc gia, thì thế gian trở thành Thiên Đàng.

Thực vậy, khi xin cho Danh Chúa cả sáng, Nước Chúa trị đến, Ý Chúa được thực hiện, chúng ta dễ hiểu lầm, hiểu sai và cho rằng Chúa cần tất cả những điều này cho riêng Chúa, và những thứ Chúa cần ấy không liên quan gì đến hạnh phúc của chúng ta, mà kỳ thực Chúa không cần gì hết, không thiếu gì hết, và cũng chẳng sự gì có thể tăng thêm chút vinh quang cho Chúa, hay kéo dài thêm dăm ba năm “tuổi thọ” của Chúa, vì Chúa là Đấng Toàn Năng, Tự Hữu, nên tất cả những gì chúng ta làm cho Ngài đều đem lại lợi ích cho phần rỗi của chính chúng ta mà thôi, vì Ngài yêu con người vô cùng đến nỗi hiến trao cả Con Một của Ngài để cứu chuộc con người chúng ta.

Vì thế, khi xin cho Danh Chúa cả sáng, Nước Chúa hiển trị, Ý Chúa được thể hiện trên trời, dưới đất chính là chúng ta đang xin Chúa cho chúng ta được thương xót, thứ tha, thanh tẩy nhờ Danh Chúa, được hạnh phúc đời đời trong vinh quang Nước Chúa, được xứng đáng hơn với vinh dự làm con Thiên Chúa như lòng Chúa mong ước.

Đó là lý do tất cả những gì chúng ta xin cho mình như hằng ngày được no đủ, được Chúa tha tội, được thoát khỏi những cơn cám dỗ, và không lọt cạm bẫy của sự dữ, một cách nào đó chỉ là sự lặp lại những kết quả là hy vọng, bình an, hoan lạc, hạnh phúc, sự sống đời đời đến từ Danh Chúa được cả sáng, từ Nước Chúa hiển trị và từ Ý Chúa được thể hiện.

Vì thế, thánh Augustinô đã khẳng định: “Khi chúng ta xin Chúa chính là lúc chúng ta chuẩn bị tâm hồn để đón nhận những gì Chúa ban cho chúng ta”. Khẳng định này hợp với Lời của Đức Giêsu: “Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 31-33). Ngài còn nhấn mạnh: “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt 7, 11).

Và như chúng ta biết: mọi của tốt lành đều bắt nguồn từ Thiên Chúa là nguồn mọi sự thánh thiện, nên khi chúng ta cầu xin cho Danh Chúa, Nước Chúa, Ý Chúa được cả sáng, hiển trị, thể hiện chính là lúc chúng ta nhận được mọi tốt lành, thánh thiện không chỉ như chúng ta ước nguyện, cầu xin, mà trên hết và trước hết như lòng Chúa mong ước cho chúng ta.

Jorathe Nắng Tím